Thân Tứ Đại Là Gì
Danh từ Phật giáo hay dùng cụm từ “thân tứ đại” để chỉ cho cái nhục thân bằng xương thịt này của chúng ta.
Tứ đại là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Bốn yếu tố này có mặt khắp nơi, nên gọi là “đại” có nghĩa là lớn. Gọi là bốn yếu tố lớn vì nó là vật chất có mặt rộng khắp. Vật chất này ở thân người thì gọi là thân tứ đại. Đóa hoa cũng là tứ đại, đám mây cũng là tứ đại, hòn sỏi cũng là tứ đại, ngọn cỏ cũng là tứ đại….v.v.
Bất kỳ cái gì là vật chất thì có yếu tố tứ đại. Danh từ xưa của Ấn Độ gọi tượng trưng như vậy, chứ không như ngày nay người ta dùng danh từ khoa học mà phân chia vật chất ra rất nhiều yếu tố, có rất nhiều tên cho từng tế bào từng phân tử khác nhau rất phức tạp, không đơn giản gọi là tứ đại để chỉ bốn yếu tố: đặc (đất), lõng (nước), khí (phong hay gió) và sức nóng (lửa).
Do đó người tín đồ Phật Giáo thì quen gọi cái thân của mình là thân tứ đại. Tứ đại bất hòa thì có bệnh duyên. Tứ đại lý tấn thì gọi là chết. Chết cái thân tứ đại thì người đời không nhìn thấy thân của mình nữa nên gọi là mình đã chết.
Nhưng theo đạo Phật thì cái thân này đâu phải chỉ là tứ đại như đóa hoa, như hòn sỏi, như đám mây. Nó còn có Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại. Đủ bảy đại thì mới trọn vẹn một con người.
Không Đại là cái hư không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên.
Kiến Đại là cái thấy biết của chúng sanh, cái thấy biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi là đại.
Thức Đại là cái nhận thức phân biệt làm chủ thể của cái sống của chúng sanh nên cũng gọi là đại. Phải đủ bảy đại thì mới gọi là một chúng sanh hữu tình.
Recent Comments